Từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, các lễ hội văn hóa tại Singapore đã khiến những khu dân cư của cộng đồng các dân tộc trên đảo quốc rộn ràng hơn bao giờ hết.
Lễ Vu Lan (Lễ xá tội vong nhân) - Từ ngày 7/8 đến 5/9/2013 (tương đương suốt tháng 7 Âm lịch)
Hàng năm, thường là vào dịp tháng 8 dương lịch, người Hoa tại Singapore cử hành lễ hội truyền thống trên phạm vi rộng lớn để tỏ lòng tôn kính với những người đã khuất. Người Hoa theo đạo Lão tin rằng trong tháng này, “Cổng Địa ngục” được mở ra và các linh hồn người chết được thả tự do và được phép đi rong trên địa giới.
Trong những ngày lễ này, người Hoa ở Singapore sẽ thắp sáng những lồng đèn ở hai bên đường, thả hoa đăng trên sông và chuẩn bị những đôi hài thuận tiện cho các vong nhân. Không chỉ cúng các cô hồn, một số người còn cúng ông bà để cầu phúc cho con cháu.
Lễ hội này được diễn ra rộng khắp trên đất Singapore. Từ những bữa dạ tiệc chi phí lên tới vài nghìn đô-la cho đến các chương trình biểu diễn đủ loại như múa rồi, kinh kịch, ca nhạc và nhiều hình thức khác để giúp cho các vong linh đi rong được siêu thoát, tất cả đều hết sức lôi cuốn. Lễ hội này thường được tổ chức ở những khu vực như Chinatown, Redhill và Geylang.
Lễ hội Hari Raya Puasa - Nhằm vào ngày 8/8/2013
Lễ hội Hari Raya Puasa năm nay rơi vào ngày 8/8/2013. Đây là hoạt động đánh dấu ngày kết thúc tháng ăn chay Ramadan (tháng 9 theo lịch đạo Hồi). Sau 30 ngày nhịn đói từ khi trời mới rạng cho tới lúc nhá nhem trong tháng Ramadan, ba ngày đầu tiên của lễ hội Hari Raya Puasađược tổ chức trên phạm vị rất rộng lớn. Những hoạt động trong lễ hội này rất thú vị, lôicuốn và có muôn màu muôn vẻ.
Nếu như các bạn ở Singapore đúng vào tháng Ramadan, đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm di sản văn hóa phong phú của người Malay. Đây là dịp tốt nhất để bạn uống thỏa thích cùng không khí của lễ hội
Đối với người Hồi giáo, tháng Ramadan là dành trọn thời gian cho nghi lễ thờ cúng, cho những việc làm thiện nguyện và các hành động thể hiện lòng trắc ẩn. Để thanh lọc cơ thể và linh hồn, người ta nhịn ăn và uống lúc ban ngày. Khi mặt trời lặn, kết thúc một ngày kiêng nhịn, các gia đình và nhóm bạn bè thường tụ họp lại cùng nhau ăn uống và cầu nguyện. Và những con phố ở khu Geylang Serai và Kampong Glam trở nên sống động với những màn biểu diễn và các sạp hàng bày bán trên đường.
Ngày Quốc khánh Singapore - Ngày 9/8/2013
Ngày Quốc khánh của Singapore được tổ chức kỷ niệm lần đầu tiên ở nơi hiện nay là sân vận động quốc gia vào năm 1965 - là năm quốc gia giành được độc lập từ tay Malay, sau khi đã vượt qua rất nhiều thách thức khó khăn gian khổ và ngày 9/8 ấy được tổ chức kỷ niệm cho đến tận bây giờ.
Tiết mục nhảy dù trong lễ diễu hành Quốc Khánh Singapore
Hàng năm, hàng nghìn người dân Singapore đến tham dự lễ diễu hành rực rỡ màu sắc chào mừng ngày Quốc khánh, họ cùng nhau ca hát, nhảy múa và chúc mừng nhau nhân ngày vui của đất nước. Các buổi hội hè linh đình, các buổi hòa nhạc và những màn bắn pháo hoa rực rỡ được tổ chức trong suốt cả tháng. Ai may mắn có được vé tham dự Lễ diễu hành ngày Quốc khánh sẽ có cơ hội trải nghiệm một số những công nghệ mới nhất được ứng dụng trong nghi thức diễu hành, trong các màn biểu diễn nguy hiểm và trong các câu chuyện kể bằng điện ảnh nhằm tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của Singapore.
Trong những ngày chuẩn bị cho ngày Quốc khánh Singapore 9/8, trên khắp đất nước, không khí rộn ràng, ngập tràn cảm xúc yêu nước. Đây còn là dịp tốt nhất cho các du khách nắm được nhìn cảnh quan lộng lẫy của đảo quốc này. Bạn có thể đi vòng quanh các khu ngoại ô trên một chiếc xích lô, bạn sẽ thấy những lá cờ Singapore bay phấp phới bên ngoài các cửa hàng tiện lợi và những dãy nhà chung cư. Sau khi tự cho phép mình mua sắm thỏa thích trong dịp siêu khuyến mãi của ngày lễ, hãy nhanh chóng lên Singapore Flyer để kịp thời chứng kiến các màn biểu diễn trên không ngoạn mục tại sân khấu Vịnh Marina, nơi tổ chức lễ diễu hành Quốc khánh hàng năm kể từ 2008.
Tết Trung Thu - 19/9/2013 (Rằm tháng 8 âm lịch)
Khi hướng bước chân tới khu Chinatown – trung tâm náo nhiệt của cộng đồng người Hoa, bạn sẽ dễ dàng quan sát và cảm nhận những truyền thống tương thân tương ái từ ngàn đời diễn ra trong ngày Tết và vui say thỏa thích trong không khí của lễ hội. Hãy nhớ mang theo một chiếc máy ảnh và thoải mái bấm máy để chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ của riêng bạn...
Những chiếc lồng đèn khổng lồ thật lộng lẫy, những sạp hàng nhỏ bán lồng đèn giấy đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng và rất nhiều loại bánh truyền thống thơm ngon trong Tết Trung Thu sẽ là những tiêu điểm cho các bức hình và bổ sung thêm sắc màu cho chuyến du lịch của bạn. Toàn bộ khu trung tâm này cũng vô cùng rực rỡ bởi ánh sáng tỏa ra từ những ngọn đèn lồng, những ngọn đèn đủ màu sắc và những vật dụng trang hoàng đẹp đẽ. Đối với những ai đam mê ẩm thực, hãy nếm thử những chiếc bánh trung thu tuyệt vời (bánh được làm từ bột nhào, có hình dáng chữ nhât hoặc hình tròn với nhân bên trong thơm ngon) nhân là những vị truyền thống như hạt sen và lòng đỏ trứng hoặc các vị từ những nguyên liệu ngoại nhập như sầu riêng, sô-cô-la, cà phê và kem.
Bạn để dành chút thời gian để xem các màn trình diễn nghệ thuật có những trích đoạn được lấy ra từ tích Hằng Nga dưới nhiều hình thức truyền thống khác nhau như múa dân tộc, kinh kịch hay múa rồi vào dịp Tết Trung thu
Lễ hội Deepavali - Tháng 10/2013
Lễ hội Deepavali, theo nghĩa đen là "dãy ánh sáng", được những người Hindu trên khắp thế giới tổ chức và là lễ hội quan trọng nhất đối với các tín đồ Hindu giáo. Tại Singapore, Lễ Hội Ánh Sáng - tên gọi trìu mến của Lễ hội Deepavali – rơi vào quý cuối cùng của năm và đây cũng là dịp Quốc lễ.
Deepavali là ngày hội ca ngợi cái tốt đánh bại cái ác, ánh sáng chiến thắng bóng tối. Có rất nhiều sự tích khác nhau về lễ này nhưng phổ biến nhất là câu chuyện về Narakasura đã giành được ân huệ của Ngọc hoàng như thế nào và được ban phước trở thành vua một nước ra sao. Narakasura cai trị vương quốc của mình một cách chuyên quyền độc đoán khiến cho các thần dân phải cầu khẩn đến sự giúp đỡ của Đức Sri Krishna, vị thần cai quản Madura. Sau đó, Narakasura bị Đức Krishna giết chết ngoài chiến trường và với sự trở lại của Đức Krishna, thành phố đang ở trong cảnh tăm tối cùng cực như được một chiếu rọi bởi vầng trăng non. Để ca ngợi chiến thắng và hân hoan chào đón Đức Krishna, người dân thắp đèn sáng trưng, và cho đến ngày nay, người Hindu ghi dấu chiến thắng của Đức Krishna trước Vua Narakasura bằng cách thắp sáng những ngọn đèn dầu.
Trong dịp lễ Deepavali, mọi người mặc quần áo mới và chia sẻ bánh kẹo với nhau. Một số cộng đồng người Ấn còn bắt đầu năm tài chính vào ngày Deepavali để cầu mong một năm suôn sẻ và thịnh vượng. Cách ăn mừng truyền thống ngày lễ Deepavali ở Singapore là trang trí hai bàn tay bạn bằng nước nhuộm màu nâu đỏ được chế từ lá móng (còn gọi là vẽ henna). Lá móng là một loại cây có hoa được dùng để nhuộm da, tóc, sơn móng tay và thậm chí là sơn cả trên da thuộc và gỗ nữa. Những hình xăm tạm thời này thường được các họa sĩ địa phương vẽ miễn phí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét